Chuyển đổi số hướng đến nông thôn mới thông minh

04.10.2023 08:2863 đã xem

Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. Đây thực sự là bước tiến mới trong xây dựng NTM tại Lâm Đồng.

Trung tâm Giám sát điều hành giao thông TP Đà Lạt

Trung tâm Giám sát điều hành giao thông TP Đà Lạt

• THU HẸP KHOẢNG CÁCH NÔNG THÔN - THÀNH THỊ

Cần biết rằng, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu của khu vực Tây Nguyên và cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh, xây dựng NTM. Theo đó, công nghệ số đã và đang mở ra tương lai mới cho phong trào xây dựng NTM thông minh với mô hình thôn, xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Mô hình thôn, xã thông minh được xây dựng trên “hạt nhân” là chính quyền điện tử với sự phân tích và trích xuất các giá trị bản địa, đặc sắc của xã hội nông thôn: chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; tạo lập xã hội nông thôn số, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững theo hướng hàm lượng công nghệ số. Khi công nghệ số lên ngôi, nông thôn - thành thị thu hẹp khoảng cách khi tất cả đều được số hóa.

Một minh chứng rõ ràng nhất, nếu như huyện Đơn Dương đi theo hướng NTM kiểu mẫu thông minh thì TP Đà Lạt cũng xây dựng thành phố thông minh. Ở cả thành thị và nông thôn khắp các địa phương trên toàn tỉnh, chuyển đổi số đã và đang chuyển động, thay đổi đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. 

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thông minh đã mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho chính quyền và người dân. Hiện nay, thành phố đã hoàn chỉnh việc cung cấp các công cụ để người dân và doanh nghiệp tìm hiểu, tra cứu khi có nhu cầu; giúp minh bạch, công khai cơ sở dữ liệu về quy hoạch, tạo tiền đề để công dân góp phần cùng với cơ quan nhà nước quản lý trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục... Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, tỉnh Lâm Đồng phát triển theo 3 hướng chính là du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh và quản lý hành chính thông minh. TP Đà Lạt xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển NTM bền vững góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đến nay, TP Đà Lạt đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và phấn đấu đưa các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, Tà Nung hoàn thiện các tiêu chí về xã NTM nâng cao.

• CHUYỂN ĐỔI SỐ HƯỚNG ĐẾN NTM THÔNG MINH

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lâm Đồng trong hành trình về đích NTM. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đưa công cuộc xây dựng NTM tiến lên một “nấc thang mới”. Đến nay, có 107/111 xã (96,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, với 33 xã đạt NTM nâng cao và 9 xã NTM kiểu mẫu. Hiện, có 5 huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Lâm Hà; 2 TP là Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các huyện còn lại đang tiếp tục rà soát hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí huyện NTM, lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM.

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% các huyện có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (chuyển đổi số, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...) trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trong khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 142 xã, phường đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 10.000 người. Các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tập trung hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt định danh điện tử, sử dụng dịch vụ hành chính công, thương mại điện tử, bán hàng trên mạng hay thanh toán không dùng tiền mặt... Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Lâm Đồng và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất nông sản tham gia hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa 100% các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn postmart.vn và voso.vn.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định: Cùng với duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM, một số địa phương NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng NTM thông minh. Trong tiến trình xây dựng NTM, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM thông minh là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng NTM.

Đưa chuyển đổi số vào xây dựng NTM là giải pháp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện định hướng xây dựng nông thôn hiện đại nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu để phát huy hiệu quả tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc chú trọng chuyển đổi số, hướng đến NTM thông minh là cần thiết, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. Với những hoạch định chiến lược mà Lâm Đồng đang kiến tạo, NTM thông minh chắc chắn không còn là tương lai xa.

Tin tức khác